Một số mô hình kinh tế báo chí trên thế giới và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam hiện nay

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện_Ảnh: Tư liệu

Kinh tế báo chí là một ngành kinh tế có thể tạo ra lợi nhuận lớn và là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, tin tức và các sản phẩm của hoạt động báo chí, truyền thông, dù là in ấn hay trực tuyến đều là hàng hóa, có thể trao đổi, mua bán; đáp ứng nhu cầu về thông tin, chính trị, giáo dục, giải trí... của công chúng. Tuy nhiên, báo chí, truyền thông chỉ trở thành một ngành công nghiệp khi việc sản xuất được diễn ra trên quy mô, dây chuyền lớn, với sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật cùng các cơ chế, chính sách và điều tiết từ chính phủ.

Hoạt động kinh tế báo chí là các hoạt động do cơ quan báo chí thực hiện hoặc liên kết thực hiện nhằm mang lại nguồn thu, lợi nhuận và bảo đảm cho hoạt động, phát triển của cơ quan báo chí. Nền kinh tế báo chí phát triển phần lớn dựa trên sản phẩm hàng hóa báo chí, truyền thông và dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

Bước vào thời đại kỹ thuật số, rất nhiều cơ quan báo chí chịu áp lực nặng nề từ việc doanh thu sụt giảm; trước đây, thông tin từ khan hiếm trên báo chí truyền thống, nay trở nên dư thừa trong môi trường số. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các cơ quan báo chí, bắt buộc phải cải tiến các mô hình kinh doanh để tạo ra những nguồn thu mới để phát triển, phù hợp với xu thế của thị trường. Có thể kể đến một số mô hình kinh tế báo chí trên thế giới tận dụng thế mạnh của không gian số để cải tiến nội dung, tạo ra nguồn thu, duy trì hoạt động và phát triển:

Mô hình kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B/business-to-business)  

Trong mối quan hệ B2B này, các cơ quan báo chí có thể: (1) Xuất bản dựa vào quảng cáo; (2) Đóng vai trò như doanh nghiệp dịch vụ truyền thông quảng cáo (agency), xuất bản các nội dung có thương hiệu và sản phẩm; (3) Làm trung gian thu thập dữ liệu cho chiến dịch marketing của các doanh nghiệp(1). Tùy vào từng cách thức, các cơ quan báo chí có thể hướng tới các nhà quảng cáo với các chiến lược, quy mô, thông điệp và khách hàng tiềm năng khác nhau. Quy mô, uy tín, thương hiệu, đối tượng công chúng của cơ quan báo chí là một tiêu chí quan trọng trong các chiến dịch marketing. Hình thức kinh doanh này được nhiều doanh nghiệp lựa chọn bởi ưu điểm lớn là mang lại nhiều lợi ích, có hiệu quả, hiệu suất làm việc và độ tin cậy cao hơn. Với sự phát triển của kinh tế thương mại, mô hình B2B ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn.

Tiêu biểu cho mô hình cơ quan báo chí, truyền thông thành công dựa vào quảng cáo là BuzzFeed, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và giải trí trực tuyến có trụ sở tại New York, Mỹ, được thành lập vào năm 2006, tập trung vào xây dựng nội dung tin tức, ý tưởng văn hóa theo xu hướng... BuzzFeed có thị phần lớn trong ngành báo chí, truyền thông, với mạng lưới 19 văn phòng trên toàn thế giới và tổng số nhân viên là 1.600 người. Năm 2020, doanh thu của BuzzFeed từ bán nội dung đạt 166 triệu USD, quảng cáo đạt 196 triệu USD và đang phát triển một trang thương mại điện tử(2).

BuzzFeed không chạy quảng cáo biểu ngữ (banner), mà nguồn thu đến từ độ phủ sóng với hàng trăm bài viết mỗi ngày, với các hình thức phổ biến: Bài báo tổng hợp, video hoặc câu đố (quizz). Hoạt động kinh doanh của BuzzFeed phát triển nhanh chóng dựa trên mô hình quảng cáo tự nhiên (native advertising), phù hợp với nền tảng(3), hay nội dung được tài trợ và được các doanh nghiệp trả tiền để đặt bài viết có nội dung quảng cáo trên trang web. Quảng cáo tự nhiên là một phần của nội dung trên trang, nội dung quảng cáo được đan cài khéo léo vào nội dung bài viết, phù hợp với phong cách, giọng điệu và nội dung của chuyên trang, khiến người xem khó có thể phân biệt được giữa quảng cáo và nội dung thông tin, thường xuất hiện dưới dạng video, bài báo hoặc bài thể hiện quan điểm của người đọc (op-ed)(4). Những bài viết, video được xuất bản gây tiếng vang, có độ lan tỏa và chia sẻ cao được đẩy mạnh sản xuất. BuzzFeed không tính phí nhà quảng cáo trên cơ sở mỗi bài đăng, mà thay vào đó, tính phí trên số lần hiển thị, đặc biệt với các vị trí trên trang chủ.

Mô hình doanh thu đa dạng hóa của BuzzFeed

BuzzFeed xây dựng chiến lược bằng cách tiếp cận và thu hút công chúng thông qua phân tích dữ liệu về lượng người xem, chi phí sáng tạo nội dung, doanh thu…, sau đó sử dụng lợi nhuận thu được để tái đầu tư và phát triển định hướng lâu dài, mở rộng các thị phần và dịch vụ khác. Theo Preretti, CEO của BuzzFeed, năm 2019, tất cả các bộ phận sáng tạo nội dung đều tạo ra doanh thu, trừ bộ phận Tin tức được vận hành trên nền tảng riêng(5). Trong tương lai, BuzzFeed tiếp tục duy trì sự thu hút và khả năng lan tỏa cao của cả nội dung tin tức và nội dung quảng cáo để có thể mở rộng quy mô của mình.

Mô hình doanh nghiệp với khách hàng (B2C/business to customer)

Mô hình doanh nghiệp với khách hàng là hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với mô hình kinh doanh này, cơ quan báo chí có thể: Xuất bản các nội dung thu phí hoặc thu phí thành viên; huy động vốn từ cộng đồng để duy trì hoạt động bằng sản xuất nội dung có chất lượng cao, đáng tin cậy; bán lẻ các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử.

Trong quá trình phát triển và thực hiện chiến lược tạo nguồn thu, điều quan trọng là cách tòa soạn thu hút công chúng tham gia vào hoạt động và đóng góp cho tờ báo. Có ít nhất 3 hình thức để làm điều đó: Quyên góp, đăng ký và thành viên. Mặc dù sự khác biệt có thể không rõ ràng vì tất cả đều liên quan đến thu phí công chúng, tuy nhiên mỗi hình thức lại mang đến những lợi ích và sự đóng góp khác nhau giữa cơ quan báo chí và công chúng.

Công chúng là nhà tài trợ (Donor): Nhà tài trợ là những người dành thời gian hoặc nguồn lực tài chính để hỗ trợ tờ báo vì những nguyên nhân cá nhân, hoặc vì giá trị chung.

Công chúng là người đăng ký (Subscriber): Người đăng ký là người trả tiền và có quyền truy cập, tiếp nhận các sản phẩm. Đăng ký chủ yếu đại diện cho mối quan hệ giao dịch.

Công chúng là thành viên (Membership): Thành viên là người dành thời gian, nguồn lực tài chính, chuyên môn hoặc ý tưởng để hỗ trợ cho tờ báo, trao đổi kiến ​​thức hai chiều giữa các nhà báo và thành viên. Thành viên có thể đại diện cho một mối quan hệ cam kết mạnh mẽ và tích cực.

Những hình thức trên không loại trừ nhau mà chỉ khác nhau về bản chất mối quan hệ. Khi một tờ báo quyết định lựa chọn hình thức thu phí công chúng, tức là phải tìm mọi cách để thu hút cũng như khuyến khích họ tham gia tích cực vào các hoạt động và trở nên trung thành hơn với tờ báo, mục tiêu là tìm được càng nhiều công chúng là thành viên càng tốt.  

Tờ Bloomberg có các gói thuê bao không giới hạn, với giá khởi điểm là 34,99 USD/tháng hoặc 415 USD/năm, cung cấp quyền xem tất cả các bài viết, video, podcast và phát trực tuyến về các sự kiện, quyền tham gia hoạt động của các nhóm chỉ dành cho những người đăng ký và được nhận thư, tin gửi về email hằng ngày. Các mô hình thuê bao của báo này còn có các gói ưu đãi được điều chỉnh phù hợp với từng nhóm công chúng như doanh nghiệp, học sinh, sinh viên...(6). Sự điều chỉnh này tạo khả năng tiếp cận cao hơn cho các đối tượng công chúng khác nhau và khuyến khích họ mua nhiều hơn.

Financial Times và The Wall Street Journal cũng đã đạt được nhiều thành công khi chuyển đổi sang dịch vụ đăng ký trực tuyến(7). Cả hai cơ quan báo chí có doanh thu cao từ quảng cáo và các gói thuê bao đăng ký để phục vụ các phân khúc khách hàng cụ thể - nhóm công chúng có khả năng tài chính, thường xuyên sử dụng internet, hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chiến lược kinh doanh và ngân hàng(8)The Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên có mô hình kinh doanh điện tử bền vững và có khả năng tạo ra lợi nhuận, với số lượng phát hành lên tới hàng triệu bản/năm. Bằng cách phục vụ nhất quán và tập trung vào các phân khúc khách hàng của mình, hai tờ báo này là hình mẫu cho các cơ quan báo chí đang nỗ lực thích ứng với các thay đổi mạnh mẽ do môi trường số tạo ra.


Từ năm 2009 đến năm 2015 có 658 dự án liên quan đến báo chí đã tự đề xuất và kêu gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter - một trong những nền tảng lớn nhất cho báo chí huy động vốn từ cộng đồng, với tổng số tiền tài trợ gần 6,3 triệu USD, trong đó các tạp chí chiếm phần lớn. Nhiều hình thức khác cũng nhận được sự ủng hộ từ công chúng như báo điện tử, radio/podcast, phim tư liệu...(9) Bên cạnh các hình thức kể trên, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng tiến vào các lĩnh vực khác để mở rộng địa bàn, đa dạng hóa nguồn thu, như phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới (phần mềm, các dịch vụ tư vấn...).
 

Mô hình bức tường phí (paywall) và gợi mở cho các hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam

Trong báo cáo “Dự đoán và xu hướng của báo chí, truyền thông và công nghệ 2018” do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters và Đại học Oxford xuất bản có nhắc đến 7 xu hướng báo chí, một trong số đó là xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh báo chí, từ thu phí quảng cáo sang thu phí người đọc(10). Một số khảo sát toàn cầu cũng cho thấy, doanh thu từ quảng cáo trên báo chí đang ngày càng giảm, 70% - 80% doanh thu quảng cáo trên internet những năm trở lại đây đều “rơi vào túi” các “ông lớn” công nghệ, như Google hay Facebook(11) (12). Trang chủ của các tờ báo không còn là mảnh đất màu mỡ thu hút các doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền quảng cáo; không những vậy, người đọc báo điện tử hiện đều có xu hướng cài đặt phần mềm chặn quảng cáo (ad-block) khi lướt web. Điều này khẳng định, ngày nay, mô hình kinh doanh báo chí dựa trên nguồn thu quảng cáo không bền vững.

Trước những áp lực về doanh thu và sớm nắm bắt xu hướng thay đổi trên, nhiều tòa soạn ở châu Âu, châu Á và một số khu vực khác đã áp dụng hình thức thu phí người dùng từ những năm 2000, điển hình như các cơ quan báo chí lớn trên thế giới, như New York Times, Financial Times, The Economist...

So sánh doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số và doanh thu từ đăng ký đọc báo kỹ thuật số trên tờ New York Times giai đoạn năm 2015 - 2019(14)

Biểu đồ trên cho thấy, tờ New York Times, một đại diện điển hình trong việc áp dụng hình thức thu phí công chúng đang thu về những kết quả khả quan. Năm 2020, doanh thu từ công chúng đạt hơn 1,195 tỷ USD, trong khi quảng cáo chỉ đạt 392,4 triệu USD(13)

Có 3 mô hình bức tường phí:

Mô hình bức tường phí cứng (Paywall model/Hard paywall): Buộc công chúng phải đăng nhập và trả tiền trước khi tiếp cận thông tin. Thông thường, bức tường phí cứng chỉ cho phép hiển thị tiêu đề, phần giới thiệu hoặc một vài đoạn của bài viết trước khi yêu cầu công chúng trả tiền. Bức tường phí cứng thường được các tờ báo có nội dung chuyên biệt, như nghiên cứu khoa học, tài chính, kinh tế... áp dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng bức tường phí cứng là chiến lược kinh doanh mạo hiểm và nếu áp dụng ngay lập tức sẽ dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng công chúng. Theo thống kê của The Times, tờ báo đã mất 90% công chúng sau khi áp dụng bức tường phí cứng, tuy nhiên, chính bức tường phí cứng sau đó đã đem về cho tờ báo hơn 60 triệu USD/năm.

The Financial Times là một ví dụ thành công khi áp dụng mô hình bức tường phí cứng. Nếu chưa đăng ký, đăng nhập, thì khi “ấn” vào bất cứ bài viết nào của tờ báo, công chúng chỉ nhìn thấy đầu đề hoặc đoạn giới thiệu có độ dài 15 - 35 chữ của bài viết, đồng thời bức tường phí sẽ xuất hiện với các chỉ dẫn cụ thể. Hiện The Financial Times cung cấp bốn gói cơ bản: Gói 68USD/tháng (truy cập không giới hạn vào tất cả nội dung, đặc biệt bao gồm các nghiên cứu và bài viết chuyên sâu); gói 40 USD/tháng (không bỏ lỡ bất kỳ nội dung cơ bản nào); gói phiên bản trực tuyến của báo giấy trị giá 24,75 USD/tháng và gói 4 USD/tháng ưu đãi dành cho sinh viên. Ngoài ra còn có các gói dành cho nhóm, tùy theo nhu cầu và số lượng người đọc(15).

Mô hình bức tường phí mềm (Metered model/Soft Paywall)Cho phép công chúng được đọc một số lượng tin, bài nhất định trước khi phải trả tiền để được đọc tiếp. Khi áp dụng bức tường phí mềm, việc đo lường số lượng bài viết miễn phí và số lượng nội dung phải trả tiền là rất quan trọng. Đối với công chúng, so với bức tường phí cứng thì bức tường phí mềm thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt hơn vì họ được đọc một số bài tuỳ chọn trong số lượng cho phép và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định có trả tiền để đọc tiếp hay không. Do vậy, bức tường phí mềm được nhiều cơ quan báo chí ưu tiên áp dụng hơn bức tường phí cứng.

Đi tiên phong và thành công trong áp dụng bức tường phí mềm phải kể đến The New York Times. Hiện nay, tờ báo cho phép công chúng đọc 5 tin, bài miễn phí trong vòng một tháng, giảm một nửa so với năm 2017. Nếu muốn đọc tiếp, công chúng cần đăng ký đọc báo bằng cách chọn Subcribe now (đăng ký ngay bây giờ) với gói cơ bản (truy cập trang NYTimes.com và mọi ứng dụng của The New York Times; đọc báo mọi lúc, mọi nơi; đọc toàn bộ bài của New York Times từ năm 1851) trị giá 2 USD/tuần. Ngoài ra cũng có gói dành riêng cho giới học thuật (academic rates), gói đăng ký theo nhóm có giá tùy theo số người tham gia và những điều chỉnh cho phù hợp với tổ chức(16).

Mô hình này được kỳ vọng là hình thức thu phí công chúng phù hợp nhất cho đến thời điểm hiện tại, vừa tạo nguồn thu từ công chúng, lại giảm nguy cơ đối mặt với rủi ro mất công chúng thường xuyên, sụt giảm thứ hạng của tờ báo trên Google cũng như trên các nền tảng công nghệ khác, đồng thời vẫn duy trì được phần nào doanh thu từ quảng cáo.

Mô hình bức tường phí hỗn hợp (Freemium): Là sự kết hợp giữa miễn phí (free) và phí trả thêm (premium), hoạt động dựa trên nguyên lý: Miễn phí các sản phẩm cơ bản để có được nhiều khách hàng, sau đó thu phí các tính năng cao cấp. Tức là nếu khách hàng muốn sử dụng phiên bản đầy đủ của sản phẩm (với tất cả các chức năng cũng như các ứng dụng cao cấp khác) thì phải trả thêm một khoản phí để nâng cấp gói sản phẩm.

Mô hình tác động đến khách hàng qua cụm từ “miễn phí”. Theo tự nhiên, công chúng thường ưa thích những sản phẩm có gắn mác “miễn phí”, nhất là những sản phẩm vừa miễn phí, vừa có chất lượng. Nhiều người dùng chỉ có nhu cầu cơ bản và phiên bản miễn phí có thể hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của họ. Công chúng được tự do, tự chủ và có thời gian suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định có trả phí để nâng cấp gói tiếp nhận hay không. Hầu như toàn bộ các tờ báo ứng dụng mô hình bức tường phí hỗn hợp đều có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, giúp người truy cập sử dụng dịch vụ miễn phí một cách tốt nhất.

Là một tờ báo chuyên sâu về mảng kinh doanh, The Wall Street Journal thu phí gần như toàn bộ nội dung, những bài thu phí có biểu tượng chiếc chìa khóa ở cuối đầu đề, trong khi những bài miễn phí thì không có biểu tượng này. Khi bạn đọc lựa chọn một bài báo có thu phí, bức tường phí sẽ xuất hiện, yêu cầu đăng nhập tài khoản sẵn có hoặc là đăng ký trả tiền để tiếp tục đọc báo. The Wall Street Journal cung cấp hai gói thuê bao cơ bản: Gói cho phép truy cập mọi nội dung số với ưu đãi 1 USD trong hai tháng đầu và 9,99 USD cho tháng tiếp theo; gói cho phép truy cập mọi nội dung số và nhận báo in chia thành ba gói nhỏ với mức giá 52 USD cho 52 tuần và hơn 10 USD cho mỗi tháng tiếp theo. Ngoài ra tờ báo này cũng có các gói đăng ký cho các nhóm hơn 10 người.(17)

Có ý kiến cho rằng, mô hình bức tường phí hỗn hợp là sự kết hợp của bức tường phí cứng (chỉ cho xem đầu đề và một đoạn giới thiệu nội dung bài viết trước khi yêu cầu công chúng trả tiền) và bức tường phí mềm (cho công chúng đọc một số bài miễn phí). Nhưng cũng có người gọi mô hình bức tường phí hỗn hợp là bức tường phí mềm nâng cao bởi vì mô hình này dựa trên cơ sở cho đọc miễn phí một số nội dung và tính phí các nội dung còn lại của tờ báo. Tuy nhiên, rõ ràng giữa mô hình bức tường phí hỗn hợp và bức tường phí mềm có sự khác biệt lớn, đó là ngay từ đầu mô hình bức tường phí hỗn hợp phân loại nội dung cơ bản và nội dung cao cấp, còn bức tường phí mềm lại linh hoạt hơn, cho phép công chúng đọc một số lượng bài nhất định (cả bài bình thường và cao cấp).

Tuy nhiên, dù được áp dụng dưới hình thức nào, bức tường phí vẫn có mục đích là khiến công chúng phải trả phí. Để đạt được mục đích đó, các tờ báo cần có chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng cụ thể bằng những gói thuê bao, chương trình ưu đãi, lời mời chào hấp dẫn. Tại Mỹ, tỷ lệ các tờ báo áp dụng bức tường phí và không áp dụng bức tường phí có sự chênh lệch lớn. Theo thống kê của Viện Báo chí Mỹ, tính đến tháng 2-2016, có đến 78% tờ báo áp dụng bức tường phí, trong đó bức tường phí mềm được ưa chuộng hơn cả(18). Còn theo Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Đại học Oxford) công bố năm 2019, 69% trong số 212 cơ quan báo chí lớn nhất ở 7 quốc gia đã áp dụng mô hình thu phí báo mạng điện tử(19).

Thực trạng các tờ báo của Mỹ áp dụng bức tường phí tính đến tháng 2-2016_Nguồn: Viện Báo chí Mỹ

Một điều đặc biệt là, nếu hình thức thu phí quảng cáo tập trung vào các tiêu chuẩn về lượt xem, lượt chia sẻ, lượng người truy cập… để tạo động lực sản xuất các sản phẩm báo chí, thì hình thức thu phí công chúng lại tập trung vào niềm tin và sự trung thành của công chúng. Đây là mối quan hệ có tác động qua lại lẫn nhau: Để công chúng quyết định trả tiền cho tin tức, họ cần có niềm tin và sự trung thành với tờ báo. Đồng thời, tờ báo phải lấy niềm tin và sự trung thành của công chúng làm mục đích trung tâm để sản xuất các sản phẩm báo chí.

Khi có niềm tin của công chúng, hình thức thu phí mới có hiệu quả và tờ báo sẽ phát triển được dựa trên mô hình này. Do đó, việc cải thiện niềm tin dựa vào chất lượng các sản phẩm, tác phẩm báo chí có vai trò quyết định tới thành công của hình thức thu phí công chúng.

Sau khi có được niềm tin của công chúng, tờ báo cần giữ niềm tin đó và sự trung thành của công chúng. Những con số về lượng người truy cập, lượng thích và chia sẻ là các tiêu chí quan trọng của hình thức thu phí công chúng. Mấu chốt là có bao nhiêu phần trăm trong số đó là công chúng trung thành và đăng ký trở thành thành viên của tờ báo. Khi vận hành mô hình thu phí công chúng, tòa soạn phải lấy sự tham gia của những công chúng trung thành làm nền tảng, chứ không đơn thuần chỉ là lượt tiếp cận.

 

Sự khác nhau giữa lượt tiếp cận và lượt tham gia của công chúng

Như bảng so sánh trên, tờ báo tiếp cận được nhiều công chúng không có nghĩa là có được sự quan tâm và sẵn sàng trả tiền để đọc những tin tức tiếp theo của công chúng. Dù là ở Việt Nam hay trên thế giới, công chúng cũng đều quen với tiếp nhận thông tin miễn phí, đồng nghĩa với việc họ không quen là công chúng trung thành. Năm 2010, The Times có 105.000 công chúng trung thành, nhưng cũng đã mất 4 triệu công chúng/tháng so với trước khi ứng dụng hình thức thu phí(20). Hay với The New York Times, trước khi có một chiến lược thu phí hợp lý thì tờ báo này đã từng phải dừng dịch vụ thu phí sau 2 năm đầu do thua lỗ(21).

Trên thế giới, những năm gần đây, cuộc tranh luận xung quanh bức tường phí dần có sự chuyển biến mạnh mẽ, thay vì đưa ra quan điểm về việc bức tường phí tồn tại có ảnh hưởng đến tờ báo hay không, các cơ quan báo chí đã nói về cách thức vận hành mô hình này.

Ở Việt Nam hiện nay, vẫn chưa có cơ quan báo chí nào thực sự thành công trong bước đi chuyển đổi thu phí người đọc này. Ngày 20-6-2018, VietnamPlus là tờ báo mạng điện tử đầu tiên áp dụng hình thức này. Ngày 29-3-2021, Tạp chí điện tử Ngày nay (ngaynay.vn) đã chính thức ra mắt báo thu phí trực tuyến, trở thành tạp chí điện tử đầu tiên ở Việt Nam tiến hành thu phí người đọc. Ngày 15-6-2021, báo VietNamNet triển khai thu phí chuyên mục VietNamNet Premium với những bài viết chuyên sâu về các vấn đề nóng của xã hội, kèm theo là những dữ liệu, biểu đồ được dày công thu thập, xây dựng để giúp công chúng có cái nhìn trực quan, sinh động.

Như vậy, hiện tại, mô hình thu phí công chúng ở Việt Nam mới chỉ là sự khởi đầu và còn rất nhiều thách thức phía trước, cần có thêm thời gian để hình thức trên trở nên phổ biến hơn, dù rằng đây là một xu hướng phát triển tất yếu của báo chí thế giới và Việt Nam./.

---------------------------------------

(1)  Innovation Media Consulting: “Emerging new business models for news media”, ngày 27-2-2019, https://innovation.media/insights/emerging-new-business-models-for-news-media 
(2) Sherman, A.: “BuzzFeed becomes digital media test case as industry waits to find out investor interest”, CNBC, ngày 24-6-2020, https://www.cnbc.com/2021/06/24/buzzfeed-becomes-digital-media-test-case-as-industry-waits-to-find-out-investor-interest.html 
(3), (5) Peretti, J.: “BuzzFeed In 2020, https://www.buzzfeed.com/jonah/buzzfeed-in-2020 
(4) Pogue, David: “Truth in Digital Advertising”, Scientific American số 312(5), 2015, tr. 32-33, http://doi:10.1038/scientificamerican0515-32.
(6) “Bloomberg Subscriptions, Digital & All Access”, https://www.bloomberg.com/subscriptions 
(7) Johnson, R, and A Gutierrez: “Reinventing the Business Model of the Newspaper Industry: Electronic Business Models and the Newspaper Industry The Wall Street Journal as Case Study.” Blekinge Institute of Technology, http://www.diva-portal.org/smash/get/diva2:832292/FULLTEXT01.pdf, 2010, tr.70
(8) Perell, D.: “Models of Internet Monetization.” Elon Journal of Undergraduate Research in Communications, 7(1), 2016, http://www.inquiriesjournal.com/a?id=1479 
(9) Vogt, N. & Mitchell, A.: “Crowdfunded Journalism: A Small but Growing Addition to Publicly Driven Journalism”, Pew Research Center, ngày 20-1-2016, https://www.journalism.org/2016/01/20/crowdfunded-journalism/fnref-53341-2 
(10) Newman, Nic.: “Journalism, media, and technology trends and predictions 2018”,  Digital News Project 2018, https://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/sites/default/files/2021-02/RISJ%20Trends%20and%20Predictions%202018.pdf
(11) Sterling, Greg.: “Almost 70% of digital ad spending going to Google, Facebook, Amazon, says analyst firm”, Martech, ngày 17-6-2019, https://martech.org/almost-70-of-digital-ad-spending-going-to-google-facebook-amazon-says-analyst-firm/ (12) Brown, David.: “Google and Facebook take 80% of all digital ad spend in Canada: CMCRP”, The Message, ngày 27-2-2021, https://the-message.ca/2021/01/27/google-and-facebook-take-80-of-all-digital-ad-spend-in-canada-cmcrp/
(13) Tracy, Marc.: “The New York Times Tops 7.5 Million Subscriptions as Ads Decline”, The New York Times, ngày 4-2-2021,  https://www.nytimes.com/2021/02/04/business/media/new-york-times-earnings.html
(14) Turvill, W.: “The future of programmatic advertising: What brands and publishers need to know”, Press Gazette, ngày 6-10-2020, https://www.pressgazette.co.uk/future-of-programmatic/
(15) Financial Times: “Subscribe to read”, https://www.ft.com/products
(16) “The New York Times. Digital and Home Delivery Subscriptions”, https://www.nytimes.com/subscription/
(17) “The Wall Street Journal. Store., https://store.wsj.com/shop/apac/
(18) Williams, Alex.: “Paying for Digital News: The rapid adoption and current landscape of digital subscriptions at U.S. newspapers”, American Press Institute, ngày 29-2-2016,  https://www.americanpressinstitute.org/publications/reports/digital-subscriptions/
(19) https://viettimes.vn/thu-phi-bao-chi-la-xu-the-tat-yeu-cua-thoi-dai-post146709.html
(20) Greenslade, Roy.: “Times claims 105,000 online 'sales'”. The Guardian, The Guardian, ngày 2-11-2010, https://www.theguardian.com/media/greenslade/2010/nov/02/thetimes-paywalls

(21) Pérez-Peña, Richard.: “Times to Stop Charging for Parts of Its Web Site”, The New York Times, ngày 18-9-2007, https://www.nytimes.com/2007/09/18/business/media/18times.html

 

Bài viết cùng danh mục